Ngày càng khó phục hồi rừng

Cháy rừng Amazon gây hậu quả nặng nề cho biến đổi khí hậu.
Rừng trên khắp thế giới đang mất dần khả năng phục hồi và trở nên dễ bị xáo trộn hơn khi hành tinh của chúng ta nóng lên. Điều đó đặc biệt đúng đối với các hệ sinh thái ở các vùng nhiệt đới, ôn đới và khô hạn trên thế giới, theo một nghiên cứu mới nhất được công bố.
Đến thời điểm nhất định, một số khu rừng có thể tiếp cận một loại điểm tới hạn – ngưỡng đưa chúng rơi vào sự suy giảm nhanh chóng. Hơn thế nữa, một số nghiên cứu cho thấy, nhiều khu rừng có thể không còn khả năng phục hồi hoàn toàn. Thay vào đó, nó có thể biến đổi hoàn toàn thành một số hệ sinh thái khác, như đồng cỏ hoặc xavan.
Rừng nhiệt đới Amazon rộng lớn là một trong những đối tượng được giới nghiên cứu quan tâm nhất. Các vùng rộng lớn của Amazon đã phải chịu hậu quả của nạn phá rừng từ rất lâu. Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Lượng mưa giảm, hạn hán gia tăng và cháy rừng tàn phá đang gây ra những tổn hại cho khu rừng nhiệt đới mang tính biểu tượng này.
Một số nghiên cứu đã cho thấy sự ấm lên liên tục của hành tinh, kết hợp với nạn phá rừng đang diễn ra và những xáo trộn khác của con người cuối cùng sẽ đẩy Amazon qua một điểm không thể quay trở lại. Vượt quá ngưỡng này, hệ sinh thái có thể đi vào vòng xoáy suy giảm không thể ngăn cản, cuối cùng biến đổi từ rừng nhiệt đới tươi tốt thành xavan cỏ.
Báo cáo gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho rằng điểm bùng phát của Amazon có thể xảy ra trước cuối thế kỷ này.
Ngay sau khi báo cáo của IPCC được công bố, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change cũng cảnh báo rằng Amazon đã mất khả năng phục hồi trong ít nhất một vài thập kỷ. Điều đó có nghĩa là nó đã tiến gần hơn đến điểm bùng phát dự kiến.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Florence ở Italia đã sử dụng kỹ thuật học máy để phân tích dữ liệu 20 năm về thảm thực vật toàn cầu, từ năm 2000 đến năm 2020. Họ sử dụng dữ liệu vệ tinh về năng suất hệ sinh thái – một chỉ số về sức khỏe của cây cối để đánh giá tốc độ và mức độ dễ dàng mà rừng có thể phục hồi sau những xáo trộn.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều khu rừng đang phát triển trong khả năng phục hồi. Họ cho rằng sự ấm lên và tăng tỷ lệ carbon dioxide có thể bù đắp những tác động tiêu cực khác của biến đổi khí hậu ở những khu vực này, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, ngay cả một số khu rừng có khả năng phục hồi cục bộ cũng đang bị mất khả năng phục hồi, bao gồm các khu vực miền trung nước Nga và miền tây Canada.
Rừng nguyên vẹn – là những khu rừng không do con người quản lý hoặc khai thác – có xu hướng bắt đầu có khả năng phục hồi ở mức cơ bản cao hơn. Tuy nhiên, cả rừng nguyên sinh và rừng được quản lý đều đang cho thấy những dấu hiệu mất dần khả năng phục hồi theo thời gian với tốc độ tương tự.
Điều đó cho thấy sự sụt giảm không liên quan đến các kỹ thuật quản lý con người mà chúng bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu.
Phương Ly

Nguồn: https://ngaynay.vn/ngay-cang-kho-phuc-hoi-rung-post123040.html Từ khóa, Tags: #rừng #phục_hồi #IPCC #hạn_hán #Nature_Climate_Change #Đại_học_Florence #amazon #số_hệ #khu_rừng #ấm #mất_dần #cháy_rừng #vùng_nhiệt_đới #Ủy_ban_Liên_Chính_phủ #tới_hạn #ôn_đới #kỹ_thuật_quản_lý #xáo_trộn #hỏa_hoạn #phá_rừng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *