Những bí mật về người ít dùng mạng xã hội: 7 đặc điểm độc đáo bạn chưa biết


Những người ít sử dụng mạng xã hội thường có những đặc điểm riêng biệt trong lối sống hằng ngày. Thay vì lạc lõng trong “vũ trụ ảo” của mạng xã hội, họ thường chú trọng đến sự riêng tư, ưu tiên gặp gỡ trực tiếp và xây dựng các mối quan hệ thực tế. Họ ít so sánh bản thân với người khác và thường thực hiện “digital detox” để tập trung vào sức khỏe tinh thần.

Việc ít sử dụng mạng xã hội không chỉ giúp họ tránh những nguy cơ liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân mà còn giúp họ duy trì mối quan hệ chặt chẽ và sâu sắc hơn. Bạn có thể học hỏi từ những người ít sử dụng mạng xã hội để có một lối sống cân bằng giữa không gian ảo và thực tế, cũng như bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình.

Bạn đã bao giờ thấy một ai đó dùng mạng xã hội với profile “trống trơn”? Hoặc cho dù họ có để ảnh đại diện và một số thông tin cá nhân cơ bản, chưa bao giờ bạn thấy họ đăng tải bất kỳ bài viết hay hình ảnh đời thường. Đó là những đặc điểm thường thấy ở những người ít dùng mạng xã hội. Vậy việc ít dùng mạng xã hội sẽ thể hiện điều gì về tính cách của họ?

Mạng xã hội được ví như một vũ trụ ảo đầy màu sắc, nơi mà con người có thể kết nối, chia sẻ thông tin với nhau và khám phá mọi thứ xung quanh. Thậm chí, mạng xã hội còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong một số lĩnh vực. Dù vậy, vẫn có nhiều người cho rằng việc chia sẻ về bản thân trên mạng xã hội là điều không cần thiết. Nhóm người này thường có 7 đặc điểm sau trong lối sống hằng ngày. 

1. Đề cao sự riêng tư

Có thể nói, mạng xã hội là một không gian lý tưởng để mọi người bày tỏ cảm xúc, tự do chia sẻ về các vấn đề thời sự nóng hổi hay đăng tải những bức ảnh về cuộc sống đời thường. Mỗi khi lướt mạng xã hội, chúng ta sẽ bắt gặp hàng trăm bài viết, các dòng trạng thái khác nhau về từ bạn bè, người thân hay cả những người xa lạ. Thế nhưng, đối với một số cá nhân lựa chọn sống “ẩn” và ít tương tác trên mạng, họ cho rằng việc chia sẻ quá nhiều có thể khiến thông tin cá nhân bị rò rỉ, đánh cắp. Đồng thời họ có cảm giác không thoải mái, dễ chịu với việc nhiều người biết đến câu chuyện của bản thân.  

cô gái mạng xã hội tươi cườicô gái mạng xã hội tươi cười

Ảnh: Alexander Mass

2. Ưu tiên gặp gỡ trực tiếp

Mạng xã hội tạo điều kiện giúp con người dễ dàng kết nối với bạn bè, gia đình dù ở bất cứ nơi đâu. Mặc cho khoảng cách địa lý, chỉ vài thao tác đơn giản đã giúp chúng ta có thể trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, video và cập nhật cuộc sống của nhau. Tuy nhiên, sự hiện đại này vô tình tạo nên “bức tường vô hình” ngăn cách những tương tác thực tế. Ở các cuộc hẹn, nhiều người vẫn lựa chọn sử dụng điện thoại thay vì trò chuyện với đối phương một cách tập trung. Những ai ít sử dụng mạng xã hội có xu hướng ưu tiên các cuộc hẹn gặp gỡ trực tiếp, vì đối với họ việc giao tiếp qua mạng vô hình trung làm giảm khả năng truyền tải thông điệp và khiến các mối quan hệ dần trở nên xa cách. Thế nên, thói quen trò chuyện ngoài đời luôn được ưu tiên vì điều này có thể giúp họ xây dựng các kết nối bền chặt và thấu hiểu lẫn nhau tốt hơn. 

3. Có nhiều mối quan hệ thực tế

Ngoài sử dụng cho mục đích giải trí, trau dồi kiến thức và tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ, hệ thống mạng trực tuyến bùng nổ còn mở ra cánh cửa kết nối – nơi mọi người dễ dàng tìm kiếm và kết bạn với những người có cùng sở thích, đam mê. Từ đó, vòng tròn xã hội của mỗi người được mở rộng và giúp họ có nhiều mối quan hệ hơn. 

Nhưng sự thật rằng mối quan hệ với những người bạn trên mạng có thể không kéo dài lâu vì nhiều lý do, trừ khi các bạn rất “hợp rơ” và có kế hoạch trở thành bạn ngoài đời thực. Chẳng hạn bạn và đối phương chưa từng gặp mặt nhau, nên sẽ rất khó để cả hai xây dựng sự kết nối bền vững và dần trở nên xa cách vì guồng quay cuộc sống. Trái ngược với những cá nhân có nhiều người bạn “ảo”, người ít sử dụng mạng xã hội thường sẽ có nhiều mối quan hệ chất lượng, sâu sắc hơn vì họ tạo được kết nối tương tác trực tiếp với những người xung quanh mình. Không những vậy, việc kết bạn trên các nền tảng mạng xã hội cần được bạn chú ý vì mạng xã hội trực tuyến vẫn luôn tiềm tàng một số nguy hiểm như bị đánh cắp thông tin, giả mạo danh tính… 

những cô gái mặc váy trắng trên bãi cỏ không dùng mạng xã hộinhững cô gái mặc váy trắng trên bãi cỏ không dùng mạng xã hội

Ảnh: Unsplash/Vladislav Nahorny

4. Ít so sánh bản thân với người khác

Khi lướt mạng xã hội mỗi ngày, có thể bạn sẽ bắt gặp vô số các bài post với tiêu đề như “Influencer A kiếm được hơn 100 triệu mỗi tháng”, “Top các influencer nổi bật trong gen Z” hay “Làm thế nào để đạt được thành công như…?”. Không thể phủ nhận sự thật rằng khi đọc những bài viết trên, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều và được truyền cảm hứng để nỗ lực phát triển bản thân. Dù vậy, việc liên tục chứng kiến những hình ảnh thành công của mọi người trên mạng xã hội có thể khiến chúng ta vô thức sinh ra cảm giác tự ti, ghen tị và không ngừng so sánh bản thân với họ. Thế nhưng, bạn nên nhớ rằng đa số mọi người đều muốn khoe những gì tốt đẹp của mình lên mạng xã hội và giấu đi mặt trái phía sau. 

Điều này hoàn toàn ngược lại với những người sử dụng mạng xã hội có chừng mực. Đối với họ, mỗi người đều là những cá thể riêng biệt và xuất phát điểm đều hoàn toàn khác nhau. Do vậy, họ nhận thức được việc so sánh chính mình với những người trên mạng là vô cùng khập khiễng. Thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào điểm yếu bản thân hay tự trách “Vì sao cuộc sống của mình không được như ý?”, họ sẽ không để sự thành công của người khác khiến bản thân bị áp lực và luôn kiên định bước đi trên con đường bản thân đã chọn. 


Xem thêm

Trạng thái Limerence: Khi tình yêu trở thành nỗi ám ảnh

6 Bí quyết đơn giản để duy trì cuộc trò chuyện 

7 Lời khuyên để duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành 


5. Theo đuổi lối sống “Digital detox” 

Dù mạng xã hội được xem là nền tảng phục vụ cho đời sống tinh thần và là công cụ giải trí hữu ích, nhưng có một số bộ phận chọn cách thanh lọc bản thân khỏi các thiết bị điện tử và thói quen này được gọi là “digital detox”. Điều này  không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn loại bỏ mạng xã hội khỏi cuộc sống, thay vào đó bạn sẽ sử dụng một cách chừng mực và dành nhiều thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân. Đối với nhiều người, việc kết nối và đắm chìm trong thế giới kỹ thuật số chỉ là một phần của cuộc sống, họ không muốn thời gian trôi đi lãng phí thông qua thói quen lướt web trong vô thức. Với lối sống digital detox, họ cảm thấy bản thân có thể tập trung vào việc tương tác xã hội ngoài đời thực mà không bị phân tâm bởi những tin tức tiêu cực dày đặc trên mạng xã hội.

cô gái mạng xã hội digital detoxcô gái mạng xã hội digital detox

Ảnh: Pexels/Zayceva Tatiana

6. Sức khỏe tinh thần ổn định

Một nghiên cứu được công bố trong tờ Depression and Anxiety của Wiley Online Library chỉ ra rằng việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội có mối liên kết “mật thiết” với các dấu hiệu tâm lý như trầm cảm và lo âu. Nhận thức được điều này, một số người đã giảm bớt tần suất truy cập thế giới ảo và dành thời gian vận động, học tập hay kết nối với thế giới bên ngoài nhiều hơn. 

Ngoài ra, tình trạng bạo lực ngôn từ trên mạng đồng thời là một nguy cơ đáng lo ngại đến sức khỏe tinh thần vì những lời tiêu cực đều có tính “sát thương” thật. Cuốn vào những cuộc tranh cãi trên không gian mạng chỉ khiến bạn tốn thời gian vô bổ và còn có thể ảnh hưởng đến sự an toàn thông tin ở thế giới thật. Ngược lại, thay vì tiêu thụ thông tin nhanh chóng từ các nền tảng mạng xã hội, những người có lối sống ẩn dật trên mạng xã hội có thể tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy và sử dụng thời gian để nghiên cứu sâu sắc về các chủ đề họ quan tâm và không bị cuốn theo cảm xúc đám đông. 

7. Có một lối sống tối giản

Đối với những cá nhân có thói quen digital detox như trên, họ yêu thích việc kết nối và trò chuyện chân thành với mọi người xung quanh thay vì tương tác qua lại một cách hời hợt trên mạng. Họ tin rằng bản thân không cần tạo ra lớp vỏ bọc hoàn hảo, bóng bẩy để gây ấn tượng với mọi người. 

Trong tâm trí, những người này thường tìm thấy niềm vui từ điều nhỏ bé trong cuộc sống và để mọi việc diễn ra một cách thật tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ khép kín hay thiếu kết nối xã hội, chỉ đơn giản là họ yêu thích những trải nghiệm thực tế và sống thật vô tư, tự do thoải mái. 

cô gái ngồi bên bãi biển đọc sách và không dùng mạng xã hộicô gái ngồi bên bãi biển đọc sách và không dùng mạng xã hội

Ảnh: Unsplash/Ioana Ye

KẾT LUẬN

Những người ít sử dụng mạng xã hội thường có 7 đặc điểm sau: họ đề cao sự riêng tư, ưu tiên gặp gỡ trực tiếp, có nhiều mối quan hệ thực tế, ít so sánh bản thân với người khác, theo đuổi lối sống “digital detox”, và có sức khỏe tinh thần ổn định. Họ nhận thức rằng việc chia sẻ quá nhiều trên mạng có thể gây mất an toàn thông tin cá nhân và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ. Đồng thời, họ ưu tiên giao tiếp trực tiếp và xây dựng mối quan hệ chất lượng, sâu sắc với những người xung quanh mình. Việc ít sử dụng mạng xã hội cũng giúp họ tránh xa áp lực so sánh bản thân với người khác và duy trì sự ổn định trong tâm lý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *