Mỹ sẽ thay đổi cách tiếp cận với Nga và Ukraine sau cuộc bầu cử giữa kỳ?


Mỹ có thể thay đổi cách tiếp cận với Nga và cuộc xung đột Ukraine sau cuộc bầu cử giữa kỳ, bà Tara D. Sonenshine – một nhà phân tích của ấn phẩm The Hill đã đưa ra nhận xét nói trên.

Ngày 8/11/2022 sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, mốc thời gian nói trên đang nhanh chóng đến gần và nhiều khả năng sẽ dẫn tới một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên chính trường Washington, cũng như tác động đến toàn thế giới.

Kết quả của cuộc bầu cử sẽ phụ thuộc vào ý kiến của người dẫn Mỹ – những người đang trực tiếp đối mặt với những vấn đề hiện tại của nước Mỹ: di cư, chăm sóc sức khỏe, các vấn đề kinh tế và chính sách đối ngoại của đất nước.

Như tác giả bài biết lưu ý, hầu hết các vấn đề đều có liên quan đến nhau và sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nước Mỹ có thể xem xét lại các cách tiếp cận đối với nhiều vấn đề trong số đó, bao gồm cả quan hệ với Nga và xung đột Ukraine.

“Khi kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trở nên rõ ràng, một số điều có thể thay đổi trong nội bộ, và sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận nước Mỹ trên toàn thế giới, cũng như cách nước này bị ảnh hưởng bởi các sự kiện toàn cầu”.

Lấy ví dụ, cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng tôi đã chứng kiến sự chia rẽ đảng phái trong khu vực bầu cử về cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden đối với Nga và Ukraine”, nhà phân tích cho biết.

Mới đây, một bức thư đã được gửi cho Tổng thống Joe Biden, tác giả là một nhóm đảng viên Đảng Dân chủ tiến bộ, những người chỉ ra những bất đồng rõ ràng trong chính sách của nước Mỹ.

Các chính trị gia đã yêu cầu Tổng thống Biden bắt đầu các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, lá thư đã được rút lại sau khi nội dung của nó bị rò rỉ cho báo chí.

Một số đảng viên Cộng hòa cũng bắt đầu đặt câu hỏi về chính sách của Mỹ đối với Ukraine. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã gợi ý rằng ông có thể chặn viện trợ quân sự và nhân đạo cho Kyiv nếu trở thành Chủ tịch Hạ viện vào năm tới.

Theo tờ The Hill, đảng Cộng hòa cho thấy kết quả mạnh mẽ trước khi bắt đầu cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Nếu thắng cuộc, họ có thể tái kích hoạt chính sách “Nước Mỹ là trên hết”.

Một kịch bản như vậy có khả năng dẫn đến việc giảm cung cấp quân sự cho Ukraine và bắt đầu tiến hành đàm phán với Nga, nhà phân tích Tara D. Sonenshine viết.

Thực tế là Quốc hội có tiếng nói mạnh mẽ khi nói đến chi tiêu quân sự. Điều này có nghĩa là Hạ viện và Thượng viện xác định cách nước Mỹ sẽ phản ứng với các hành động của Liên bang Nga.

“Tất nhiên, sức mạnh là chìa khóa. Quốc hội có thẩm quyền về ngân sách đối với chi tiêu quân sự, điều này sẽ phản ánh tình cảm mới tùy thuộc vào thành viên nào được bầu”.

“Vào tháng 5/2022, đã có 57 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, trong khi 11 người khác bỏ phiếu chống lại biện pháp này tại Thượng viện”, nhà báo Sonenshine nhớ lại.

Nhà phân tích cũng cảnh báo rằng một chiến thắng của đảng Cộng hòa có thể gây ra “những hậu quả đáng lo ngại” đối với châu Âu và NATO khi xung đột ở Ukraine ngày càng gia tăng.
Việt Dũng

Nguồn: https://anninhthudo.vn/my-se-thay-doi-cach-tiep-can-voi-nga-va-ukraine-sau-cuoc-bau-cu-giua-ky-post521553.antd Từ khóa, Tags: #liên_bang_Nga #ukraine #bầu_cử #The_Hill #Hạ_Viện_Kevin_McCarthy #bỏ_phiếu_chống #viễn_cảnh #Joe_Biden #thượng_nghị_viện #chủ_tịch_hạ_viện #đảng_phái #chính_trường #viện_trợ #xung_đột #cách_tiếp_cận #Mỹ #bầu_cử_quốc_hội #ấn_phẩm #nhiệm_kỳ #chính_sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *